Quan sát đất và hiểu về cỏ dại sẽ giúp chúng ta phục hồi đất nhanh chóng. Cũng như quan sát môi trường sống xung quanh để tạo cơ hội phát triển bản thân.
Tôi vô tình biết được sự thật của cây cỏ dại, điều kì diệu của thiên nhiên.
Trước đây tôi luôn nghĩ cỏ dại là phải nhổ, phải cắt nó đi, để có không gian cho cái cây yêu quý của mình, đặc biệt là khi không gian càng nhỏ thì cỏ dại càng không được phép mọc lên.
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, tôi biết được rằng cỏ dại cũng là sự sắp xếp kì diệu của mẹ thiên nhiên. Chúng ta có thể quan sát cây cỏ dại và biết được quá khứ, hiện tại của vùng đất, nơi mà chúng ta đang đứng, cũng như tận dụng đặc tính cỏ dại để để phục hồi đất nhanh hơn.
Ở bài viết này, tôi muốn giới thiệu và tóm tắt ngắn gọn nội dung vì sao cỏ dại là loài mọc đúng vị trí. Nơi cỏ dại mọc chính là nơi mà cỏ dại phải mọc để mang lại giá trị kì diệu cho đất.
Đồng thời, đây cũng là yếu tố mà mình có thể học được từ thiên nhiên để quan sát bản thân rõ hơn, nhận biết được môi trường xung quanh từ gia đình, trường học, cộng đồng và ứng dụng phát triển bản thân trong cuộc sống,
Thực tế trong mỗi miếng đất dù lớn hay nhỏ sẽ luôn có hàng ngàn hạt giống cỏ khác nhau. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, hễ có đất, có hạt giống cỏ, có nước thì cây cỏ sẽ mọc lên mà chính điều kiện của đất mới là yếu tố quyết định hạt cỏ nào sẽ được nảy mầm.
Dưới đây là một vài ví dụ để minh họa điều kiện của đất như thế nào thì loại cây cỏ dại nào được mọc và cách nhận biết đất qua bộ rễ của cây cỏ.
Nhận biết đất tơi xốp qua bộ rễ chùm
Nếu bạn có dịp đi đâu đó có nhiều cây cỏ, bạn có thể thử nhổ vài cây cỏ gần vùng đất mình đang đứng và thử quan sát bộ rễ. Nếu cây có bộ rễ chùm thì đây chính là vùng đất tơi xốp.
Vì tính chất đất quá tơi xốp nên đất phải cần cây có bộ rễ chùm với tính kết dính để đất có thể gắn chặt với nhau. Tiếp sau đó, bộ rễ chùm này sau khi cây cỏ chết đi, lớp phủ (mulch) của cây sẽ phân hủy xuống mặt đất. Và chính sự phân hủy này lại một lần nữa giúp đất liên kết càng chặt chẽ với nhau hơn.
Các bạn có thấy sự sắp đặt diệu kì của mẹ thiên nhiên ở đây không? Từ lúc còn là hạt mầm, đến lúc lớn lên và phân hủy, trọn vẹn một vòng đời. Bộ rễ chùm của cây cỏ dại này chỉ thực hiện đúng chức năng mà đất đang cần, đó là giúp đất gắn kết được với nhau. Và cũng tương tự như thế, vùng đất tơi xốp này cũng chỉ dành phần sinh trưởng và tạo điều kiện cho riêng loại cây rễ chùm này được nẩy mầm và lớn lên mà thôi.
Nhận biết đất nén qua bộ rễ thẳng, dài
Tương tự như trên, bạn cũng thử nhổ vài cây cỏ gần vùng đất né chặt xem có gì khác không?
Nếu vùng đất mà bạn nhổ cây cỏ là đất nén, thì khi bạn quan sát bộ rễ, bạn sẽ thấy đây là bộ rễ thẳng dài và đâm sâu vào đất.
Do đất nén quá chặt, nên chỉ có loại cây rễ thẳng dài, mới đủ khỏe để đâm sâu vào lòng đất. Loại cây này sau khi hết một vòng đời, phân hủy trong đất, sẽ tạo ra một chất hữu cơ, mà chất này sẽ giúp đất tơi xốp hơn, kết dính mà không quá chặt.
Dựa vào yếu tố trên, mà các chuyên gia nông nghiệp thường làm tiến trình này nhanh hơn bằng cách cắt ngang cây cỏ dại có rễ thẳng dài này, để chúng phân hủy và tạo hữu cơ giúp đất tơi xốp nhanh hơn.
Nhận biết vùng đất từng có đám cháy chưa
Chắc các bạn sẽ tò mò đôi chút, làm sao mà mình biết được vùng đất từng có đám cháy chứ nhỉ?
Cũng như hai trường hợp thí nghiệm ở trên. Bạn quan sát loại cây mọc xung quanh khu đất, để biết lịch sử nơi đây đã từng xảy ra đám cháy trong thời gian gần đây hay không.
Đầu tiên, chúng ta biết rằng chất Kali là một chất rất dễ chuyển hóa. Vì vậy, chúng sẽ mất đi khi bị lửa đốt. Do đó, khi vùng đất bị cháy, đất thường sẽ thiếu hụt Kali rất nhiều.
Với đặc tính này, ta sẽ thử kiểm tra vùng đất mà ta đang đứng có đang tạo điều kiện cho loại cây cỏ bổ sung Kali phát triển hay không. Nếu có, thì đây chính là vùng đất đã từng xảy ra đám cháy và đang dần phục hồi lại chất Kali trong đất.
Điển hình, cây dương xỉ là loài cây có nhiều Kali nên sẽ có cơ hội phát triển tại vùng đất thiếu hụt kali. Chúng sẽ có chức năng cao cả là cung cấp lượng chất Kali mà đất đang thiếu hụt nhằm giúp đất trở về trạng thái cân bằng.
Và tất nhiên, sau khi vùng đất đã được phục hồi, không còn thiếu hụt Kali. Loại cây cỏ bổ sung Kali này sẽ không thể sống ở vùng đất này nữa. Vì chúng chỉ sống được ở vùng đất thiếu Kali.
Có thể nói, lúc này cây cỏ bổ sung Kali này đã hoàn thành nhiệm vụ và sẵn sàng ra đi để nhường cho các loại cỏ thế hệ tiếp theo.
Các ví dụ minh họa ở trên là nội dung đã được ông Geoff Lawton – chuyên gia nuôi trồng thủy sản, thiết kế, triển khai hệ thống và quản trị ở Úc trình bày trong đoạn video (https://www.youtube.com/watch?v=3s0jtDQt2Js)
Dù chỉ một vài minh họa trong phạm vi nhỏ ở trên, ông Geoff Lawton cũng đã truyền tải được thông điệp:
Cỏ không phải là nguyên nhân gây ra các vấn đề của đất như mọi người thường nghĩ, chúng không hút hết chất dinh dưỡng của đất,…mà ngược lại, cỏ dại có vai trò đặc biệt giúp đỡ vùng đất mà chúng sinh trưởng.
Và bằng việc quan sát cây cỏ dại này, chúng ta sẽ có cơ hội hiểu hơn về đất và biết được cách phục hồi, cân bằng đất nhanh hơn nếu chúng ta muốn.
Cơ hội quan sát môi trường xung quanh và phát triển bản thân
Tôi nghĩ các đúc kết của loài cây cỏ dại và đất ở trên cũng giống như con người và môi trường sống của chúng ta, đều là một sự sắp đặt diệu kì của vũ trụ, giúp mọi thứ hòa hợp với nhau.
Chúng ta có thể quan sát và tận dụng cơ hội này, để hiểu bản thân mình và môi trường xung quanh hơn.
Nếu chúng ta có thể sống hòa hợp, tức, chúng ta vẫn còn phù hợp và mang lại giá trị cho môi trường mà chúng ta đang tương tác.
Nếu chúng ta rời đi, thì nơi đó mình không còn phù hợp nữa, hoặc có một điều gì đó mới để chúng ta đóng góp giá trị nhiều hơn ở môi trường tiếp theo. Hay chỉ đơn giản là mình đã hoàn thành nhiệm vụ và giờ đây mình có thể nhường lại nhiệm vụ đó cho các thành viên tiếp theo.
Quan sát môi trường xung quanh sẽ biết được yếu tố và con người nào đang được phát triển. Mà cái hay của con người là chúng ta có thể tư duy, nâng cấp phát triển bản thân để lựa chọn và chuyển hướng đến nơi mình muốn và phù hợp hơn.
Vậy nên, bằng cách quan sát, trải nghiệm và học hỏi phát triển bản thân, tôi hy vọng bạn và tôi sẽ đến được những vùng đất nhiệm màu để đóng góp giá trị mà bản thân mình được ban tặng để giúp ích cho đời.
P/s: Trong tự nhiên, có nhiều điều rất đơn giản mà sâu sắc. Nếu bạn có quan sát hoặc phát hiện thông tin thú vị nào đó, bạn hãy chia sẻ cùng mình bên dưới nhé. Cảm ơn bạn đã quan tâm và ghé thăm blog.
Love and Thanks
Your blog is a constant source of inspiration for me. Your passion for your subject matter is palpable, and it’s clear that you pour your heart and soul into every post. Keep up the incredible work!